HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2013-04-25 18:26:44

Xin việc tại Việt Nam từ Nhật Bản

Nguyen Ngoc Huong Thao

Đối với những bạn du học sinh (DHS) có mong muốn về nước làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, ai cũng muốn tìm trước công việc từ lúc còn ở Nhật để không mất thời gian sau khi đã về nước. Để xin được việc trước khi rời Nhật Bản, bạn cần phải tiến hành những điều gì để tìm được công việc tại Việt Nam?

Sau khi tốt nghiệp trường đại học ở Nhật, DHS sẽ có hai lựa chọn: ở lại Nhật làm việc hoặc về nước làm việc. Không bàn đến lựa chọn đầu tiên, để tìm được công việc tại quê nhà từ khi còn ở nước Nhật, DHS thường băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu, làm cách nào. Là người chọ con đường quay về nước làm việc, tôi xin chia sẻ 3 bước cần chú ý khi bắt tay vào tìm việc ở VN ngay từ khi còn ở Nhật.
1.    Lựa chọn thông tin công việc
Có nhiều cách để xác định cách tìm thông tin về công việc trong nước:
-    Tìm hiểu thông tin doanh nghiệp có đầu tư vào Việt Nam, tiếp cận trực tiếp phòng nhân sự tìm cơ hội công việc
-    Tìm hiểu qua các kênh rao tuyển như trang web tuyển dụng của một số đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp Nhật
-    Tìm hiểu thông tin từ phòng hỗ trợ việc làm tại trường ĐH mà bạn đang theo học. Sẽ có một số công ty đang có kế hoạch đầu tư tại VN và cần tuyển người có quốc tịch VN ngay tại nước Nhật. Tôi tìm được khoảng 3 công ty như vậy khi bước vào mùa tuyển sinh ở Nhật (thường từ tháng 12 đến tháng 7 năm kế tiếp)
2.    Xác định cách nộp hồ sơ ứng tuyển
-    Nếu thông qua kênh thông tin là các trang web trực tuyến, bạn hãy liên hệ với người đang phụ trách tuyển dụng của trang thông tin đó. Thông thường sẽ là các tư vấn viên chuyên tìm kiếm nguồn nhân lực biết tiếng Nhật, đặc biệt là DHS với lợi thế tiếng Nhật và quá trình tiếp xúc với nền văn hóa và con người Nhật Bản. Họ sẽ liên hệ với bạn qua điện thoại, email…để có được CV mới nhất của bạn nếu bạn phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Tôi đã đưa CV của mình từ đầu năm 4 và nhận được sự phản hồi của các anh chị tư vấn viên nhằm trao đổi nguyện vọng nghề nghiệp.
-    Thông qua các buổi giới thiệu công ty được tổ chức tại trường, tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển theo đúng các bước tìm việc của một sinh viên sắp tốt nghiệp vào 2 công ty có kê hoạch phát triển kinh doanh tại VN. Một số người bạn của tôi đã được tuyển ngay tại Nhật sau khi đi đến vòng phỏng vấn cuối cùng, bắt đầu đi làm từ tháng 4 tại công ty mẹ trong vòng 1 năm, sau đó về VN để phát triển nghề nghiệp.
3.    Chuẩn bị kĩ năng phỏng vấn
-    Sau khi tư vấn viên hoặc nhà tuyển dụng liên hệ trao đổi qua email, một số công ty sẽ tạo điều kiện phỏng vấn qua điện thoại hoặc skype. Tôi được phỏng vấn qua điện thoại 2 lần, mỗi lần hơn 30 phút để trao đổi với công ty mà mình ứng tuyển về công việc, kiểm tra năng lực tiếng Nhật và Anh, được hỏi về lý do và mong muốn cho công việc mà tôi ứng tuyển. Dù là phỏng vấn qua điện thoại, tôi vẫn phải chuẩn bị kĩ càng về định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu công ty và đánh giá định hướng phát triển tại VN để có buổi trao đổi thuận lợi và hiệu quả.
-    Nếu xin trực tiếp với công ty mẹ tại Nhật, bạn sẽ phải trải qua vài vòng phỏng vấn với từng cấp lãnh đạo trong công ty cũng như với người sẽ trực tiếp đảm trách việc phát triển kinh doanh tại VN. Khác với các công ty tuyển nhân viên làm việc tại Nhật, bạn cần phải tư duy những câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng để nhìn thấy con đường phát triển nghề nghiệp trong tương lai khi về VN làm việc.
Dù chọn cách nào đi nữa, DHS vẫn phải trang bị cho mình đầy đủ kĩ năng khi xin việc làm như tìm hiểu thông tin về công ty, nâng cao năng lực tiếng Nhật, tìm hiểu tác phong khi phỏng vấn, dù đó là qua điện thoại hay nói chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng…Chuẩn bị càng kĩ lưỡng, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.