- VYSA
- HRnavi
- Career
- Tin tức chung
- Kỹ năng người tìm việc
- Hoạt động truyền thông
- Đào tạo
Làm công lương tháng hay làm chủ doanh nghiệp?
Nguyen Dinh PhucTrong xã hội hiện nay, mọi người thường đánh giá một con người thông qua vị trí của người đó trong công việc. Những người làm chủ thường được đánh giá cao hơn và người làm công sẽ bị xem là tầm thường. Nhưng liệu làm chủ doanh nghiệp có thực sự là đã thành công? Làm công lương tháng có thực sự là thất bại?
Ở Việt Nam, chúng ta thường được các bậc cha chú đi trước tư vấn về công việc theo lối tư duy làm gì rồi cũng nên làm chủ, nhỏ thì tiệm cà phê hay hiệu tạp hóa, lớn thì mở công ty nhưng không đi làm thuê suốt đời. Giở báo ra đọc, chúng ta sẽ thấy vô số ký sự nhiều kỳ về những mẫu hình thành công, đại loại sinh viên trẻ cùng nhau lập nghiệp mở quán bán xôi hay nhập khẩu hàng hóa buôn bán qua mạng v.v… Trong con mắt mọi người những người trẻ dám đương đầu, mở doanh nghiệp tự làm thật đáng khâm phục. Thêm vào đó, những cuộc thi ý tưởng lập nghiệp do các quỹ đầu tư và các trường đại học tổ chức được mọi người tích cực hưởng ứng và háo hức đưa ý tưởng để được đầu tư. Dường như ai cũng cho rằng chỉ cần có ý tưởng thì thành công sẽ nằm trong tầm tay.
Về bản chất, việc lập doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu xã hội, giúp xã hội ngày càng phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm là điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên việc đề cao con đường này, không đánh giá đúng (trân trọng) giá trị của những lựa chọn khác là điều không hay, vì nó sẽ tạo ra sự lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp của toàn bộ xã hội.
Sự lệch lạc có thể dễ dàng nhận thấy nhất là sự chênh đầu vào trong tuyển sinh đại học kéo dài trong nhiều năm gần đây. Số lượng người đăng ký theo học ngành kinh tế, tài chính, quản trị rất cao so với các ngành khác dẫn đến thừa sinh viên ra trường các ngành này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy có khá nhiều bạn trẻ ít kinh nghiệm thực tiễn, thậm chí chưa một ngày đi làm đã mở doanh nghiệp tự kinh doanh. Không rõ rồi doanh nghiệp của các bạn ấy sẽ tồn tại và phát triển được đến đâu? Thực tế cho thấy rất ít doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ yêu cầu đóng thuế cũng như có chế độ tốt cho nhân viên. Nói cách khác, lợi nhuận các bạn ấy làm ra một phần nào đó là do các bạn trốn thuế, trốn nghĩa vụ với người lao động. Đó là còn chưa kể đến hiểu biết và năng lực quản trị con người chưa đạt, nó là rào cản vô hình (vì thường chính các bạn đó không nhận ra) cho sự phát triển của doanh nghiệp của các bạn ấy trong tương lai.
So với những người chủ doanh nghiệp nửa vời như trên, thì có hàng vạn người làm công ăn lương vẫn tốt hơn nhiều. Chúng ta có thể hiểu “tốt hơn” ở đây là tính trung thực trong việc đảm bảo tuân thủ pháp luật (nộp thuế), có mức thu nhập ổn định, làm được đúng chuyên môn của mình và có được vị trí phù hợp trong một tổ chức tốt.
Là chủ một doanh nghiệp hay làm công lương tháng đều là những thành phần quan trọng trong guồng máy xã hội. Nếu xem chủ doanh nghiệp nhận lương từ khách hàng thì tất cả mọi người đều là làm công lương tháng. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta nên hiểu đúng giá trị của từng vị trí, không nên đề cao cũng không nên hạ thấp bất kỳ vị trí nào. Cá nhân mỗi người nhận thấy năng lực của mình phù hợp với vị trí nào thì lựa chọn cho mình hướng đi thích hợp.
Thiết nghĩ, mấu chốt dẫn đến thành công không phải là vị trí bạn đang nắm giữ mà chính là sự say mê công việc. Sự yêu thích giúp chúng ta gắn kết lâu bền hơn với nghề và cống hiến hết mình. Trong quá trình phấn đấu chúng ta sẽ dần hoàn thiện bản thân (khả năng quản lý, sự tin tưởng, mối quan hệ, v.v…) để trở nên chuyên nghiệp và phát triển lên một tầm cao mới. Đúng với tầm vóc đó, chúng ta sẽ có một vị trí tương ứng, đi từ quản lý cấp trung đến quản lý cấp cao hay thậm chí là lập doanh nghiệp riêng.