HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2015-05-27 17:32:44

Tại sao bạn lại có ý định chuyển việc?

Le Thi Thanh Loan

Mỗi người khi có ý định chuyển việc, hẳn là do sự tồn tại của những vấn đề khó giải quyết. Giữa thiên hình vạn trạng các vấn đề, HRnavi sẽ trình bày những điểm đặc thù, thường gặp nhất và xem xét nó ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ của người lao động.

 

            1. Nội dung công việc không còn phù hợp

Một yếu tố người lao động tìm kiếm trong công việc là khả năng được học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân. Qua một thời gian công tác, một số người sẽ đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Việc lặp lại một việc từ ngày này qua ngày khác dễ gây ra cảm giác chán nản mệt mỏi. Nó cũng tạo ra sự lo lắng bị tụt hậu cho người lao động. Vì vậy, họ sẽ có mong muốn chuyển đổi sang công việc khác nhiều đòi hỏi và thách thức để tiếp tục hoàn thiện bản thân.

Cũng trong trường hợp đó, nhiều người khi đã đạt đến trình độ nhất định lại muốn đóng góp cho xã hội bằng những công việc có ý nghĩa và tầm vóc hơn. Ví dụ như ông Trần Bảo Minh, được mệnh danh là “thầy phù thủy marketing”, đã từ bỏ vị trí cao ở tập đoàn Pepsi và đầu quân cho Vinamilk vì muốn xây dựng thương hiệu sữa Việt và giúp người dân tiếp cận nguồn sản phẩm chất lượng giá rẻ.

Ở một khía cạnh khác, tuy chưa có được sự chuyên nghiệp nhưng một số bạn vẫn muốn từ bỏ để tìm kiếm một con đường thích hợp hơn. Đa số các bạn này còn khá trẻ và chưa thực sự có định hướng đúng đắn. Vì thế mà các bạn thường loay hoay giữa nhiều lựa chọn để tìm thứ thuộc về mình.

 

           

          2. Môi trường làm việc không thoải mái

Với nhịp sống hối hả như hiện nay, công việc luôn nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu. Mọi người dành thời gian cho công việc còn hơn thời gian chăm sóc gia đình con cái. Vì vậy, môi trường làm việc thoải mái sẽ giúp người lao động bớt căng thẳng, ngược lại sẽ tạo nên áp lực không nhỏ.

Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc là cách quản lý của cấp trên. Nhiều người cho rằng quản lý nhân sự bằng thời gian hiện là một trong những cách kém hiệu quả nhất. Nó khiến người lao động cảm giác không được tin tưởng và luôn trong tâm lý “cầm cự” chờ đợi giờ tan sở. Đáng tiếc thay đây lại là một trong những cách quản lý phổ biến của các doanh nghiệp Việt, cũng như doanh nghiệp đến từ các quốc gia Châu Á khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam còn thiên về hướng quản lý vi mô. Công việc bị theo sát và không được xúc tiến theo ý kiến của nhân viên, mà là của cấp trên. Cách quản lý này an toàn nhưng lại làm hạn chế các cá nhân thể hiện khả năng, cũng tạo nên sự dựa dẫm, thiếu quyết đoán. Chính vì vậy nó làm cho người lao động muốn tìm kiếm môi trường mới giúp họ phát triển một cách tự lập hơn.

Môi trường làm việc còn bị ảnh hưởng bởi thái độ của những người xung quanh. Chắc hẳn sẽ có nhiều trường hợp các cá nhân không cố gắng để hòa nhập, dẫn đến lối tư duy trốn chạy. Tuy nhiên, môi trường làm việc cần có sự hỗ trợ, hợp tác thiện ý từ các phía. Cấp trên quá bảo thủ, duy ý chí, thiếu cảm thông; đồng nghiệp quá cạnh tranh, hay tị hiềm là những yếu tố làm cho người lao động mất đi niềm vui trong công việc và muốn từ bỏ.

 

          

            3. Chế độ đãi ngộ không tương xứng

Theo kết quả của một khảo sát trực tuyến, có đến 94% người có ý định chuyển việc do muốn có mức lương xứng đáng hơn. Điều này cũng rất dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý, khi mà người lao động đã cống hiến công sức và thời gian cho sự phát triển của công ty. Trong khi đó, những gì được nhận lại không phản ánh đúng sự cống hiến đó. Lúc này, nếu một đơn vị khác đánh giá đúng khả năng của họ và đưa ra một chế độ đãi ngộ thích hợp hơn sẽ làm họ dao động và cân nhắc chuyển việc.

 

          

           4. Thời gian dành cho công việc quá nhiều

Ai trong chúng ta cũng hiểu phải cố gắng và hy sinh nhiều thì mới có thể đạt được thành công. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thành công chưa thể toàn vẹn nếu chỉ có công danh mà không có hạnh phúc gia đình. Do đó, phương án chuyển việc còn là nỗ lực của họ hướng đến sự hài hòa trong cuộc sống. Một công việc khác gần nhà hơn, được về sớm hơn là một bước lùi tạm thời để người lao động sắp xếp lại cuộc sống của mình. Khi qua được giai đoạn khó khăn, họ sẽ trở lại tích cực hơn và tiếp tục chinh phục các đỉnh cao trong sự nghiệp.

          

          5. Doanh nghiệp tạo sức ép

Ngoài những điều kể trên, còn có những lý do xuất phát từ phía doanh nghiệp. Ví dụ như công ty làm ăn thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự. Hay cấp trên không đánh giá cao năng lực của nhân viên và muốn sa thải. Thực tế cho thấy trong những trường hợp này, người lao động hay bị đẩy vào những tình huống không hay. Họ bị giao nhiều việc và đảm nhiệm công tác không phù hợp với chuyên môn. Điều này làm nhân viên cảm thấy áp lực và tự động từ bỏ.

 

Trên đây là những nguyên nhân khiến người lao động muốn chuyển việc. Tuy nhiên để từ có động lực đến hành động là giai đoạn cân nhắc các vấn đề. Công việc lại đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống nên chúng ta càng phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Để có được những bước đi đúng đắn, hãy cùng tham khảo phần tiếp theo trong chuỗi bài viết của HRnavi với nội dung “Tìm kiếm giải pháp”.