- VYSA
- HRnavi
- Career
- Tin tức chung
- Kỹ năng người tìm việc
- Hoạt động truyền thông
- Đào tạo
Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam quan tâm gì khi tuyển du học sinh
Nguyen Dinh PhucMôi trường công việc đã khác hẳn môi trường học đường, hơn thế nữa, môi trường công việc tại Việt Nam lại rất khác với môi trường tại Nhật. Để thực sự tìm được công việc như mong muốn, chúng ta cần hiểu rõ kỳ vọng của doanh nghiệp và xác định lại thế mạnh của mình.
Trong nhiều lần tiếp xúc với du học sinh (DHS) có nhu cầu tìm việc, khi hỏi đến nhu cầu công việc như thế nào, chúng tôi thường nhận được câu trả lời “đãi ngộ cao tương đương ở Nhật, công việc phù hợp với chuyên môn...”. Rất hiếm khi nhận được phản hồi theo hướng “chuyên môn em là thế này, không biết có những cơ hội công việc như thế nào...”. Vẫn còn nhiều các bạn tư duy của người đi “bán” mà không hiểu rằng để “bán” được là phải hiểu rõ người đi “mua”.
Kể từ làn sóng đầu tư thứ nhất của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam những năm 2000, có những doanh nghiệp lâu đời như CANON, PANASONIC, NIDEC, đến làn sóng thứ 2 khoảng 2007 thì có những doanh nghiệp điển hình như NIPPON STEEL, KUBOTA, v.v... hoặc gần đây là BIRDGESTONE, KYOCERA, ... Đã tồn tại ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp Nhật với tầm cỡ, bề dày, lĩnh vực, văn hóa khác nhau. Rất khó khái quát lại nhu cầu của toàn bộ doanh nghiệp Nhật, nhưng đại để doanh nghiệp Nhật cần những bạn DHS ở những trường hợp sau.
- Lãnh đạo cao cấp (cho tương lai): là người mà chúng tôi gọi là nhân tố SWAN (Smart-Work hard-Ambitious-Nice). Nhân tố này phải thể hiện được tiềm năng lãnh đạo (thu hút nhân tâm), có kinh nghiệm/thành tích làm việc (hầu hết không đòi hỏi phải cùng ngành nhưng cần phải cùng tính chất công việc), phải hiểu rõ cả 2 văn hóa để thật sự là cầu nối giữa công ty mẹ và công ty Việt Nam. Thường những công ty nhắm vào thị trường nội địa sẽ có nhu cầu này.
Chú ý: hiểu rõ văn hóa kinh doanh là rất khác với văn hóa trong đời sống nên không phải cứ là DHS là hiểu rõ văn hóa. Chúng tôi sẽ có 1 bài riêng về vấn đề này. - Lãnh đạo cấp trung: đối với các công ty điều hành một cách truyền thống, công ty sản xuất, do không có chế độ để người Việt làm lãnh đạo nên chỉ có nhu cầu tuyển lãnh đạo cấp trung. Yêu cầu cũng tương tự như trên nhưng giảm bớt phần năng lực mềm mà chú trọng hơn vào kiến thức nghiệp vụ (đối với công ty sản xuất).
- Trợ lý kiêm thông dịch: yêu cầu với nhân sự này chủ yếu là ngoại ngữ và một chút lanh lẹ trong giải quyết sự vụ. Cạnh tranh với vị trí này là các bạn học ngoại ngữ tại Việt Nam hoặc các bạn có đi du học ngắn hạn.
- Nhân viên: những công ty tổ chức dịch vụ cho doanh nghiệp Nhật (tư vấn, nhân sự, bảo hiểm,v.v...) rất cần những bạn có ngoại ngữ để giao tiếp. Môi trường nhiều bạn giỏi tiếng Nhật, dịch vụ cho doanh nghiệp Nhật nên khá là cạnh tranh và yêu cầu năng lực cao.
Chúng ta phải thẳn thắn công nhận một thực tế là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là để tạo lợi nhuận. Còn thế mạnh hiện tại của Việt Nam hầu như chỉ là nhân công rẻ, chúng ta không có nền công nghiệp vật liệu, không có nên công nghiệp phụ trợ, các cơ sở nghiên cứu thì yếu kém... Trong môi trường nhân công rẻ như vậy, doanh nghiệp rất cần một người chuẩn hóa được lực lượng nhân công đó, cải tiến nghiệp vụ, xây dựng một tổ chức chuyên nghiệp lớn mạnh. Đó là nhu cầu sâu xa của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam.
Để chuẩn hóa và cải tiến được nghiệp vụ bạn phải thật hiểu rõ nghiệp vụ. Để xây dựng được tổ chức lớn mạnh, bạn phải là người có nhân tâm (人間力).
Xác định rõ lĩnh vực bạn có thế mạnh (hoặc lĩnh vực bạn yêu thích), dấn thân vào đó để trải nghiệm và trưởng thành thì bạn sẽ thành công.