headhunter khi gặp nhau “kể khổ” chuyện nghề, thỉnh thoảng sẽ có câu nói vui thế này: “Vào ngành này riết rồi chị em mình luyện thành tinh thần thép hết!” Chỉ là một cách nói vui nhưng đâu đó lại khá… đúng với cái ngành nhiều người xem là “nhẹ nhàng”, “kiếm tiền như em dễ quá”.
Headhunter và “tinh thần thép” có liên quan gì?
Thành công của headhunter thường chỉ được xác định khi ứng viên trở thành nhân viên chính thức của công ty. Với vai trò là cầu nối giữa khách hàng và ứng viên, headhunter nhiều lần phải “thót tim” với những chuyện mà nếu không có tinh thần thép thì chẳng biết ứng biến như thế nào, nhiều lúc còn biến công sức mấy tháng dài theo deal trở thành công cốc. Dưới đây là một vài chia sẻ về quá trình rèn luyện “tinh thần thép” của người viết.
“Thuê bao quý khách vừa gọi…” – Buồn của headhunter
Liên lạc giữa ứng viên và headhunter thông thường nhất chính là qua điện thoại. Và cơn ác mộng lớn nhất của headhunter cũng sẽ bắt đầu từ đây, khi nghe thấy câu thông báo quen thuộc “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”. Dạo một vòng trên LinkedIn, không khó để bạn tìm thấy những câu chuyện tương tự như sau:
Ứng viên mới hôm nào còn quả quyết sẽ đi phỏng vấn, đến hôm phỏng vấn thì gọi thế nào cũng không nghe máy.
“Anh nhận được email em rồi, Thứ x tuần sau anh sẽ tham gia đúng giờ”. Đúng thứ x tuần sau gọi lại, anh không nghe máy và cũng không bao giờ anh ấy nghe máy nữa.
Rất nhiều trường hợp ứng viên “biến mất tăm” đẩy headhunter vào thế bí, hoang mang không biết trả lời khách hàng thế nào. Người viết còn nhớ mãi nỗi hoang mang và lo lắng trong lần đầu tiên gặp phải ứng viên đến giờ phỏng vấn lại không liên lạc được.
Sau một vài lần chơi trò ú tim như thế, tôi dần học được cách kiểm soát ứng viên tốt hơn như gặp gỡ ứng viên trước để tạo sự tin tưởng, tăng phương tiện liên lạc với ứng viên, vừa dễ bề quan tâm và hỏi han ứng viên vừa có thể "đề phòng bất trắc" như gọi số điện thoại dự phòng, nhắn tin qua Zalo, Skype, LinkedIn, Faceboook… Liên lạc với nhau nhiều kênh như thế, ứng viên có muốn "lặn" mất cũng khó.
Ứng viên “bùng” phỏng vấn, bỏ Offer vào phút 89: headhunter à, mạnh mẽ lên!
Làm headhunter nghĩa là phải chấp nhận chuyện đôi khi bỏ ra công sức lao tâm khổ tứ tìm người, liên lạc, sắp xếp lịch phỏng vấn và gửi gắm niềm hi vọng có thể tiêu tan trong phút chốc. Thế giới hơn 7 tỷ người, ứng viên cũng có người này người khác, mỗi ứng viên là một câu chuyện.
Người tính không bằng trời tính, dù cho có nỗ lực rào trước đoán sau thế nào vẫn sẽ có những tình huống bất đắc dĩ xảy ra. Ví dụ như câu chuyện phỏng vấn, dù đã chắc ăn nắm hầu hết các số liên lạc và tin tưởng ứng viên không "bùng" nhưng vẫn sẽ có những lí do bất khả kháng làm HR cũng phải chịu thua.
Như trường hợp anh ứng viên này không tham gia phỏng vấn được vì người thân mất đột ngột, chị ứng viên kia đến sát giờ phỏng vấn thì con gái bị sốt phải vào viện, bạn ứng viên nọ trễ 15’ sau giờ phỏng vấn, người viết gọi điện thoại đến thì nhận được câu “mưa quá nên em lười đi”… Hy hữu hơn còn có trường hợp “anh đến trước cửa công ty rồi nè”, nhưng thực tế là từ lúc đó mãi về sau, anh vẫn chẳng bao giờ xuất hiện.
headhunter khi có lịch phỏng vấn tốt nhất cứ phải chuẩn bị tinh thần ứng biến với hàng trăm trường hợp, có chuyện bất ngờ xảy ra cũng vững vàng xử lý sao cho tốt nhất.
Sau phỏng vấn sẽ là phần chốt Offer, đây là phần quyết định, cũng là lúc có nhiều câu chuyện không ngờ nhất!
Ứng viên đi đến vòng Offer thường đã trả qua vài ba vòng phỏng vấn, duyệt hồ sơ, những bài kiểm tra kỹ năng… nên khi nhận được tin từ chối, phần nhiều headhunter sẽ rơi vào trạng thái… hụt hẫng vì deal gần như đã chắc trong tầm tay. Lí do từ chối Offer có thể gom lại như sau:
Gia đình là số một - Gia đình anh có việc
Em rất tốt nhưng anh rất tiếc - Nhận được offer tốt hơn
Người cũ còn thương - Công ty, sếp hiện tại quyết tâm giữ chân nhân sự
Mỗi câu chuyện là một bài học, để với ứng viên sau, chúng ta có thể làm tốt hơn, cố gắng hiểu về ứng viên, biết đâu là yếu tố chi phối đến quyết định nhận offer để đỡ “đau tim” khi nhận được lời từ chối.
Qua chia sẻ về hành trình gian nan của một “gái săn đầu người”, người viết hi vọng rằng đối tác, khách hàng và ngay cả ứng viên sẽ hiểu hơn về nỗi khổ của headhunter và dành nhiều tình cảm và sự hỗ trợ hơn cho những người đang ngày ngày cố gắng để làm cầu nối giữa công ty và ứng viên tiềm năng.