Một hôm cuối tuần ngồi café với ứng viên, sau dăm ba câu chuyện công việc, anh ứng viên tuổi ở đầu 3 buột miệng nói một câu khiến tôi cứ nghĩ mãi “Vậy headhunt ai chẳng làm được!”
1. Headhunt là gì? Headhunter là những ai?
Nghĩ tới cách đây 5 – 10 năm, headhunter vẫn còn là một khái niệm xa lạ với phần đông các công ty tại Việt Nam. Những năm gần đây, các đơn vị headhunting nước ngoài bắt đầu đầu tư vào nước ta, các đơn vị headhunting “start-up” cũng bắt đầu mọc lên khiến khái niệm này dần trở lên gần gũi hơn.
Vậy, headhunter là gì? “Headhunter” là cụm từ chỉ những người làm trong nhóm ngành Nhân Sự (HR) chuyên đi săn chất xám, nhân tài theo các đơn đặt hàng từ các công ty khách hàng hoặc cho chính công ty mình. Còn theo cách hiểu của dân Việt mình, "headhunt" hiểu một cách nôm na là "Săn đầu người".
Đối với người nhân sự sử dụng dịch vụ headhunt. Chắc hẳn không ít lần bạn từng suy nghĩ về trình độ và kỹ năng của các bạn headhunt đang làm việc với mình. Một ngày phải tiếp vài cuộc điện thoại từ đơn vị headhunt, cách vài tháng là lại nghe thấy tên một đơn vị mới toanh, lạ hoắc, chắc hẳn đôi khi bạn sẽ có suy nghĩ “headhunt ở đâu mà lắm thế!”
2. Ai chẳng làm được
Với sự tăng trưởng nhanh chóng của những công ty headhunt, lượng tư vấn viên – headhunter theo nhu cầu ấy cũng tăng lên chóng mặt. Mỗi năm ngành Quản trị nhân sự nước ta đào tạo ra số lượng khá ít các bạn sinh viên với kiến thức chuyên môn. Không có trường lớp đào tạo bài bản, vậy những “headhunter” ngoài kia là từ đâu đến? Tôi đã từng nghe một đàn anh trong ngành chia sẻ rằng “Tốt nghiệp ngành nào cũng làm headhunt được hết!” Nhìn lại những bạn đồng nghiệp xung quanh, tôi chợt nhận ra, hình như đúng thế thật. Kinh tế, ngoại ngữ, tài chính, nông lâm… background nào cũng có. Nói theo kiểu anh ứng viên nọ cũng chẳng sai.
Tiêu chí tuyển dụng headhunter cũng không hề khó, chỉ cần nhanh nhẹn, ngoại ngữ tương đối là có thể được đào tạo thành một headhunter, vậy thì ai mà chẳng làm được?
3. Nhưng cũng ít người bền bỉ
Nói đi cũng phải nghĩ lại, nghề nào thì cũng có cái khó của nó. Tôi cũng thường đùa với những đàn em mới vào nghề rằng, ngành headhunt như đại học tư, đầu vào thì dễ lắm, nhưng mà để tốt nghiệp thành công là cả một vấn đề. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại áp lực nhiều bề. Nào là target tháng, target quý, target năm, xét KPI mỗi đợt… công việc linh tinh thì nhiều, career path lại không mấy rõ ràng. Một vị trí tuyển có khi vài tháng vẫn chưa tìm được người, tìm được rồi thì ứng viên bỏ phỏng vấn, bỏ offer, target thì đều đặn mỗi tháng mỗi quý, nói chuyện với khách hàng mà ngơ ngác là bị "dập", chưa kể sếp còn hỏi han mỗi khi xét KPI. Bao nhiêu đó lý do cũng đủ khiến một người mới vào ngành nhanh chóng nản lòng. Nhiều bạn sinh viên mới ra trường chọn công ty headhunt để đầu quân, sau một thời gian ngắn cảm thấy mông lung rồi lại rời đi tìm cho mình một cơ hội mới. Thế mới nói, headhunt là ngành vào không khó, mà rời đi cũng rất dễ dàng.
4. Để được thành công "be the best"
Quay trở lại câu chuyện với anh ứng viên nọ. Nghe xong câu cảm thán của anh, tôi cũng chỉ cười mà trả lời rằng “Vì ai cũng làm được nên để trở thành người làm tốt nhất mới khó đó anh”.
Làm thì ai cũng làm được, nhưng cái "được" theo cách suy xét của mỗi người cũng khác nhau. Tuyển được người phù hợp là chuyện đương nhiên. Nhưng bạn mất bao lâu để tìm được ứng viên đó? Ứng viên đi làm xong rồi có nhớ đến headhunter không? Tuyển dụng xong rồi khách hàng liệu có nhớ đến mình để nhờ tuyển những vị trí khác không? Với riêng cá nhân tôi, không phải chỉ là "làm được" mà phải là "làm tốt nhất".
Người viết chưa dám tự nhận mình là một headhunter thành công, nhưng với kinh nghiệm vài năm “lăn lộn” trong ngành xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ.
Với một ngành có tỷ lệ đào thải cao như headhunt tôi nghĩ yếu tố cần thiết đầu tiên chính là kiên trì, đặc biệt là kiên trì học hỏi. Để tìm được nhân sự phù hợp cho một vị trí là cả một quá trình. Ngoài cái “duyên” và sự may mắn thì kiến thức cũng là thứ không thể thiếu. Am hiểu thị trường, am hiểu tính chất công việc của vị trí cần tuyển và công ty khách hàng là cơ sở vững chắc để tìm đúng người. Hiểu về cách vận hành của một tổ chức, của cơ cấu dịch chuyển lao động theo vùng, theo từng địa phương cũng góp phần tạo nên một deal thành công.
Ngoài kiến thức, kỹ năng cũng phải luôn được rèn giũa. Ngày vào HRnavi, tôi chỉ là một sinh viên mới ra trường với những kiến thức sách vở về ngành học Kinh tế. Được đào tạo về kỹ năng làm việc với ứng viên, kỹ năng Sales, kỹ năng thuyết phục, đàm phán… rồi dần dần áp dụng vào công việc. Khoảng thời gian kiên trì cần thiết cho “lính mới” trong ngành theo cảm nhận của tôi chí ít là một năm để có những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Để thành một headhunter, tiếp theo bạn sẽ phải “lăn xả”. Headhunter hơn nhau là ở nguồn ứng viên và kỹ năng giao tiếp. Mà để tạo được thế mạnh này, một điều bắt buộc là phải tiếp xúc thật nhiều người. Tôi từng nghe một số ứng viên đùa rằng “các bạn headhunt ai cũng lanh phết”. Headhunter cũng là một dạng của ngành Sales, mà sales thì sao có thể ngồi mãi một chỗ. Đến văn phòng gặp khách hàng, ngồi xe cả giờ đồng hồ đến nhà máy thật xa để tham quan và tìm hiểu khó khăn tuyển dụng, tham gia hội thảo chuyên ngành, hẹn gặp ứng viên ở văn phòng, cuối tuần lại “mời mọc” ứng viên trò chuyện ở quán café… headhunter phải luôn sẵn sàng ra ngoài và chia sẻ.
Xây dựng lòng tin với khách hàng, với ứng viên, tạo “branding” cho bản thân và đảm bảo đem lại dịch vụ tốt nhất, headhunter so với nhân viên của những ngành khác càng phải nỗ lực không ngừng để “be the best”. Hy vọng rằng qua bài chia sẻ nhỏ này, bạn sẽ có cái nhìn khác hơn về headhunt cũng như yên tâm hơn khi chọn cho mình một đơn vị cộng tác trong công tác tuyển dụng đầy khó khăn nhé.